Lemon Radio|Chồng chéo trong quản lý bán đảo Sơn Trà

Bán đảo Sơn Trà được xem là “lá phổi xanh”, điểm du lịch hấp dẫn của TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, với việc người dân và du khách tự do ra vào, cùng sự quản lý chồng chéo giữa các cơ quan chức năng khiến tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm môi trường, cháy rừng, kể cả săn bắt động - thực vật trái phép.

Lemon Radio

中越加

Khó quản lý

Theo ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, năm 2017, hạt đã tổ chức 61 đợt kiểm tra, truy quét ngăn chặn chặt phá rừng, bẫy và săn bắt động vật trái phép tại 63 điểm thuộc rừng Sơn Trà; qua đó, phát hiện, tháo gỡ và thu giữ 458 dây bẫy bằng ruột phanh xe đạp, 5 lồng bẫy bằng sắt, 30 chuồng bẫy bằng cây…

Ngoài ra, hạt phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng tổ chức 319 đợt tuần tra trên các tuyến đường xung quanh bán đảo Sơn Trà, đuổi ra khỏi rừng 15 đối tượng vào săn bắt động vật hoang dã trái phép; nhắc nhở du khách không ở lại đêm, sử dụng lửa ở các điểm dừng chân, khu vực ven rừng… và xử lý hành chính 10 vụ vi phạm, bàn giao Công an phường Thọ Quang 305 viên đạn bi, 1 súng tự chế...

Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, hạt tổ chức trên 10 đợt kiểm tra, truy quét; phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai hơn 100 đợt tuần tra, tháo gỡ hơn 300 dây bẫy cùng một số lồng, kẹp bằng sắt để bẫy động vật rừng. Cũng theo ông Trần Thắng, hiện lo ngại nhất chính là việc kinh doanh dịch vụ hàng quán ở khu vực bán đảo Sơn Trà, do sử dụng lửa bất cẩn hoặc bị chập điện dễ gây ra cháy rừng.

Thêm vào đó, tình trạng người dân và du khách đốt nhang, vàng mã ở các miếu thờ xung quanh, đốt rác, đốt thực bì, thậm chí đốt than… ở khu vực ven rừng và cận rừng cũng gây nguy cơ cao cháy lan vào rừng. Chưa kể, việc người dân, du khách tự do ra vào bán đảo Sơn Trà, trong khi lực lượng kiểm lâm không có quyền kiểm tra, vì trách nhiệm này thuộc đơn vị khác, nên rất dễ xảy ra tình trạng kẻ xấu có hành vi tác động vào rừng.

Hiện việc quản lý bán đảo Sơn Trà được giao cho 3 đơn vị. Cụ thể, rừng và đất lâm nghiệp giao cho Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, một phần giao UBND phường Thọ Quang quản lý, bảo vệ; các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch thuộc về trách nhiệm của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết có đến 3 đơn vị cùng tham gia quản lý bán đảo Sơn Trà nhưng không đơn vị nào chịu trách nhiệm chính. Vì vậy, mỗi khi xảy ra sự vụ gì, các đơn vị dễ “đùn đẩy” trách nhiệm cho nhau. UBND quận Sơn Trà đã nhiều lần kiến nghị UBND TP Đà Nẵng lập một đơn vị quản lý chịu trách nhiệm chung nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Cần có đơn vị quản lý chung

Thực tế, việc chồng chéo trong quản lý rừng Sơn Trà đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Không ít trường hợp xâm phạm rừng đã diễn ra thời gian qua. Điển hình trong năm 2017, tại bãi giữ xe ở khu vực Bãi Ban, lửa bùng phát lúc nửa đêm suýt gây ra cháy rừng hay trường hợp du khách vứt mẫu thuốc lá xuống bãi cỏ lau làm cháy thực bì tại chùa Linh Ứng… Đặc biệt, tình trạng người dân vào đốt củi luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, nhìn nhận để công tác quản lý bán đảo Sơn Trà đi vào nền nếp, thành phố cần sớm thành lập một đơn vị đứng ra tổ chức các điểm hướng dẫn, trông giữ phương tiện của khách du lịch khi đến tham quan bán đảo Sơn Trà. Ngoài ra, phải kiểm tra, giám sát được lượng người ra vào rừng. Với chức năng, nhiệm vụ được giao như hiện nay lực lượng kiểm lâm khó có thể thực hiện được điều này.

UBND quận Sơn Trà kiến nghị UBND TP Đà Nẵng có giải pháp tổ chức quản lý chặt các hoạt động du lịch tại bán đảo Sơn Trà; quy hoạch xây dựng điểm dừng chân, tổ chức bán vé và sử dụng loại xe chuyên dụng để vận chuyển khách tham quan; triển khai xây dựng các bể chứa nước phục vụ phòng, chống cháy rừng và tạo cảnh quan sinh thái…

Tại hội thảo quốc tế lần thứ nhất về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề “Phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên” tổ chức tháng 7 vừa qua, TS Bùi Minh Nguyệt, Trường Đại học Lâm nghiệp, đề xuất xây dựng phương án thí điểm tổ chức, phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên thông qua việc thu phí vào cửa từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt khách và cung cấp các gói dịch vụ du lịch chuyên biệt. Như vậy, ngân sách sẽ có 60 tỷ đồng/năm để chi cho quá trình quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, đầu tư các giải pháp giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường.

(0)

相关推荐